Nghiên cứu gần đây cho thấy sự lo lắng ở mức độ nhất định cho phép con người ghi nhớ các chi tiết dễ dàng hơn.
Nếu bạn là người luôn cảm thấy lo lắng về vấn đề cân nặng, đừng lo, có mối liên hệ tích cực giữa sự lo lắng và khả năng ghi nhớ.
Một nghiên cứu mới được đăng trên Journal Brain Sciences chỉ ra, lo lắng một chút thực sự có thể giúp bạn trong việc ghi nhớ.
Nghiên cứu được thực hiện trên những sinh viên năm cuối của trường đại học Waterloo ở Ontario, phát hiện ra rằng cảm giác lo lắng, ở mức độ nhất định, có thể giúp chúng ta ghi nhớ các chi tiết một cách rõ ràng.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 80 sinh viên năm cuối, trong đó có 64 sinh viên nữ. Mỗi sinh viên tham gia được yêu cầu học một dãy từ được đặt kèm phía trên các hình ảnh và sau đó ghi nhớ những từ này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những từ được đặt phía trên các hình ảnh “tiêu cực” được ghi nhớ dễ dàng hơn.
Myra Fernandes, Giáo sư khoa Tâm lý trường đại học Waterloo, đồng tác giả của nghiên cứu, đã mô tả quá trình này như sau: “Trong nghiên cứu này chúng tôi cho các sinh viên xem qua một lần dãy các từ mang tính trung lập được đặt kèm hình ảnh tiêu cực (như tai nạn xe hơi) hoặc mang tính trung lập (hình ảnh hồ nước)”.
“Sau đó, chúng tôi yêu cầu các sinh viên nhớ lại những từ đã được xem để tiến hành so sánh số lượng từ được ghi nhớ giữa bên được đặt trong hình ảnh tiêu cực và bên đặt trong hình ảnh trung lập”, Giáo sư này phân tích. “Bằng cách này, chúng tôi biết được những người tham gia đã ghi nhớ từ ngữ với tư duy tiêu cực hay trung lập”.
Các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện ra tại sao cảm giác lo lắng thúc đẩy khả năng ghi nhớ: Khi ở trạng thái tư duy tiêu cực, những người lo lắng mã hóa thông tin trung lập mà họ tiếp nhận gắn với một “thẻ cảm xúc” . Nhờ đó, các thông tin trung lập được “lưu vết” bởi tư duy tiêu cực, khiến chúng được ghi nhớ dễ dàng hơn. Điều này không xảy ra với những người không mấy lo lắng.
Biết được xu hướng diễn ra trong cách chúng ta mã hóa và ghi nhớ thông tin là điều rất quan trọng. Những sự kiện hoặc thông tin được xem là trung lập có thể được diễn giải kèm theo “thẻ tiêu cực”, khiến nó nổi bật và đáng nhớ hơn, đặc biệt với những người thường xuyên lo lắng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, lo lắng không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. “Ở khía cạnh nào đó, mức độ lo lắng tối ưu sẽ mang lại lợi ích cho việc ghi nhớ”, Giáo sư Fernandes cho biết. “Nhưng theo các nghiên cứu khác , khi một người quá lo lắng có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến trí nhớ và hành động của họ”.
Giáo sư Fernandes mô tả “sự lo lắng ở mức tối ưu là khi việc lo lắng diễn ra hằng ngày, nhưng nó không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bạn”.
Giáo sư Fernandes hy vọng rằng kết quả của cuộc nghiên cứu sẽ mang lại lợi ích không chỉ với các học sinh, giáo viên mà cho tất cả những người muốn hiểu rõ hơn cách mã hóa thông tin hiệu quả và ý thức được sự lo lắng của họ.
Rõ ràng, khả năng ghi nhớ và tâm trạng có mối quan hệ nhiều hơn chúng ta tưởng.
N.G (Theo All That’s Interesting)